Nếu bạn có thắc mắc về các vấn đề sức khỏe và bạn cần được tư vấn, hãy đặt câu hỏi tư vấn của bạn để được các Bác sĩ Chuyên khoa của chúng tôi giải đáp.
Chào mừng bạn đến với Y Khoa Kỳ Hòa
Mở cửa : Thứ hai - Chủ nhật: Buổi sáng: 06:30 - 11:30, Buổi chiều: 13:00 - 19:00
Nếu bạn có thắc mắc về các vấn đề sức khỏe và bạn cần được tư vấn, hãy đặt câu hỏi tư vấn của bạn để được các Bác sĩ Chuyên khoa của chúng tôi giải đáp.
Chào BS,
Mình có xét nghiệm Papsmear kết quả: một số tế bào bị viêm, tế bào âm đạo nhóm I. BS có thể giải thích giúp tình trạng của mình và biện pháp với ạ? Mình xin cảm ơn.
Chào bạn,
Thường người phụ nữ nên khám định kỳ mỗi năm để làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung sớm để điều trị kịp thời. Thời điểm tốt nhất để khám kiểm tra phụ khoa là sau sạch kinh 3-4 ngày, không quan hệ tình dục, không đặt thuốc hay thụt rửa âm đạo ít nhất 2 ngày trước, điều quan trọng là không bị viêm nhiễm.
Kết quả của bạn có thể do phết tế bào khi đang có viêm nhiễm âm đạo. Bạn có thể tái khám lại sau 3-6 tháng để nếu cần kiểm tra lại tế bào cổ tử cung.
Thân mến.
Chào BS,
Em bị hở nướu hàm trên, muốn phẫu thuật hoặc có cách nào cho không thấy hở nướu ạ? Cho em hỏi giá bao nhiêu và điều trị như thế nào, thưa BS?
Chào bạn,
Tình trạng của bạn cần được khám trực tiếp mới có thể đưa ra chỉ định điều trị cũng như chi phí vì trong một số trường hợp nhẹ chỉ cần cắt nướu nhưng có trường hợp phải gọt bớt xương hoặc phẫu thuật kèm chỉnh nha mới có thể giải quyết được nụ cười hở lợi.
Tốt nhất bạn nên đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt uy tín để được hỗ trợ tốt nhất.
Thân mến!
BS ơi,
Nếu hai hàm răng luôn chạm vào nhau khi ngủ thì bị làm sao vậy? Cách chữa trị như thế nào? Bị gãy xương hàm dưới quá 2 tháng thì có còn nẹp vít được không ạ? Nếu không nẹp, có để lại di chứng gì không ạ? Và xương có tự lành được không ạ?
Chào bạn,
Tình trạng của bạn có thể là hiện tượng nghiến răng khi ngủ, nếu xảy ra thường xuyên có thể dẫn đến loạn năng khớp thái dương hàm, mòn răng, ảnh hưởng khớp cắn. Do vậy bạn cần đi khám chuyên khoa Răng hàm mặt để kiểm tra và nếu cần thiết có thể uống thuốc, điều chỉnh khớp cắn hoặc làm máng nhai hỗ trợ…
Còn về tình trạng gãy xương hàm thì cần phải khám trực tiếp mới đưa ra được kết luận như trước đó bạn gãy xương như thế nào, có di lệch hay không…
Thân mến!
Thưa BS,
Em bị ngứa âm hộ, đỏ bên ngoài âm hộ, không đau, không chảy mủ, không mùi, không huyết trắng. Em có thể mua dung dịch vệ sinh phu nữ nào để sử dụng tốt cho mình thưa BS? Em xin cảm ơn.
Chào em,
Theo tôi dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ trong lúc này không thể chữa trị bệnh tình trên của em.
Do đó, cái quan trọng bây giờ là em cần đến BV Da liễu khám xem đó là bệnh gì, sau đó BS mới có hướng điều trị cho em.
Thân mến.
Chào BS,
Tôi năm nay 45 tuổi, hành kinh bình thường. Tuy nhiên kì này tôi hết kinh một tuần rồi nhưng thỉnh thoảng đi vệ sinh tôi lại thấy có máu ra, máu có màu lúc đỏ lúc thâm là sao thưa BS? Cám ơn BS.
Chào chị,
Trước mắt, chị cần xác định lại việc ra máu ngoài kỳ kinh trên là do âm đạo hoặc do đường tiểu. Nếu từ âm đạo thì chị nên đi khám Phụ khoa, còn nếu do đường tiết niệu thì chị nên đi khám Nội tổng quát.
Tùy theo kết quả thăm khám và xét nghiệm,… BS sẽ điều trị và tư vấn thêm cho chị.
Thân mến.
Chào BS,
Cách đây 12 ngày tôi có bị mạt nhôm văng vào mắt và đã lên bệnh viện huyện để lấy ra, BS có kê cho tôi 3 loại thuốc nhỏ mắt, đến nay đã được 12 ngày nhưng mắt mỗi khi ra ngoài ánh nắng thì bị nheo lại và loá, nhìn vật bị nhoè.
BS có thể giúp tôi tìm ra nguyên nhân tại sao tôi lại bị loá và nhìn bị nhoè không ạ?
Chào bạn,
Dị vật sắc nhọn văng vào mắt có thể gây ra tổn thương giác mạc và biến chứng viêm loét giác mạc do nhiễm trùng hoặc sẹo giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực. Nếu tình trạng nhìn mờ ngày càng xấu đi, bạn nên tái khám chuyên khoa Mắt để đánh giá lại tổn thương và thay đổi điều trị phù hợp bạn nhé!
Thân mến.
Chào BS,
Em bị va chạm nhẹ ở đầu gối, lúc mới thì có vết bầm và sưng to từ gối xuống đến chân. Em có dùng thuốc và tình trạng giờ là chân hết bầm nhưng vẫn còn sưng nhẹ. Khi co gối cảm giác bị hạn chế vì vẫn còn sưng ở gối. Em vỗ nhẹ thôi cũng rất đau ạ.
Em cũng hay có triệu chứng đau và nhức rất khó chịu. Cảm giác đau từ gối kéo dài theo xương xuống đến chân. Em bị khoảng 1 tháng rồi. Cho em hỏi em có nên tiếp tục uống thuốc ở nhà thuốc hay nên đi khám ạ?
Chào em,
Chấn thương ở đầu gối gây ra nhiều loại tổn thương như gãy xương, tổn thương dây chằng nhiều mức độ, rách sụn chêm, viêm bao hoạt dịch, viêm gân, tổn thương mạch máu, thần kinh…
Chấn thương ở chân của em không phải là thương tổn đơn giản có thể uống thuốc là khỏi, em nên tới khám chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình để đánh giá mức độ tổn thương và xử trí kịp thời, tránh để di chứng xấu về sau em nhé!
Thân mến.
Chào BS,
Sau khi mổ ruột thừa gần được một tháng, vết thương của em đã lành nhưng còn một chỗ ra mủ mỗi khi đi lại. Xin BS chỉ cho em cách chữa trị.
Chào bạn,
“Vết thương đã lành nhưng còn một chỗ ra mủ mỗi khi đi lại” thì vết thương đó thật sự là chưa lành đâu, em cần phải đến cơ sở y tế để kiểm tra lại, đăng ký khám chuyên khoa Ngoại tổng quát để BS kiểm tra lại vết thương này, xem có bị tạo đường dò không, đáy và bờ vết thương ra sao, vì sao mà cả 1 tháng trời vẫn còn chảy mủ… để xử trí thích hợp (làm sạch vết thương, nếu miệng vết thương rộng thì phải khâu khép lại…), em nhé.
Thân mến!
Xin chào BS,
Ba tuần trước em bị té xe và trầy da ở mu bàn tay và trên mặt, đến nay đã tróc mài được 2 tuần, em có thoa kem nghệ liền sẹo E100.
Nhưng xài được gần 1 tuần thì trên vết sẹo và xung quanh sẹo bị nổi mẩn đỏ rất ngứa, không có nước, sần sùi. Xin hỏi BS em bị gì và có cách nào làm giảm bớt những nốt đỏ không ạ? Xin BS tư vấn giúp em. Cảm ơn BS.
Chào em,
Theo mô tả em đã bị dị ứng thành phần nào của kem nghệ liền thẹo nên mới nổi mẩn ngứa.
Do đó, em không nên dùng kem này nữa mà rửa bằng nước thật sạch, để vậy không nên thoa thêm gì cả vài ngày sẽ hết.
Thân mến!
Chào BS,
Bé nhà tôi năm nay 5 tuổi. Lúc cháu sinh ra đã có 2 lỗ nhỏ. 1 lỗ dưới mũi nếu vạch ra có chút nước màu trắng dính dính. 1 lỗ nhỏ ở phía tai. Xin hỏi cháu bị sao và cách chữa trị như thế nào ạ? Xin cảm ơn!
Chào bạn,
Lỗ nhỏ ở phía tai như bạn mô tả nhiều khả năng là lỗ dò luân nhĩ, nếu không có hiện tượng sưng đỏ, chảy dịch thì không cần điều trị.
Còn lỗ dò ở mũi cần loại trừ lỗ dò rễ mũi. Nếu có chảy dịch thì nên phẫu thuật.
Trước mắt, bạn nên đưa bé đến BV Tai Mũi Họng khám để BS có chẩn đoán xác định, sau đó tùy theo bệnh lý và mức độ BS sẽ tư vấn cho bạn hướng điều trị thích hợp.
Thân mến!
BS cho em hỏi,
Bé gái nhà em 18 tháng, nặng 9.6 kg, cao 76 cm, hiện em đang cho uống Ceelin hằng ngày, nhưng lưỡi bé là lưỡi bản đồ, chỗ trắng chỗ đỏ. BS cho em lời khuyên và cách chữa trị được không ạ?
Chào em,
Lưỡi bản đồ hay dân gian còn gọi là lưỡi trăng, vì nó thường xuất hiện vào những ngày có trăng lên, nguyên nhân vì sao không giải thích được.
Về điều trị cho bệnh lý này thường không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và bổ sung thêm các vitamin nhóm PP, C,…, kết hợp ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi.
Thân mến!
Chào BS,
Bé được 7 tháng, nặng 6.7 kg, cao 1m66, trước đây bé bị sinh non 36 tuần, nhiễm trùng sơ sinh. Em đã cho bé đi xét nghiệm máu và phân chỉ số bạch cầu 101, phân có tạp khuẩn, máu, hạt mỡ, BS kết luận bé bị viêm đường ruột, mất máu mãn tính, đã uống kháng sinh được 2 tuần, BS cho em hỏi bé nhà em đã bị suy dinh dưỡng chưa?
Và cách bổ sung máu cho cháu, hiện cháu đã uông hết thuốc nhưng phân vẫn còn máu, em hoang mang quá. Xin BS giúp.
Chào bạn,
Về vấn đề suy dinh dưỡng, em cần cung cấp đủ thông tin về bé theo hướng dẫn của AloBacsi và thông tin trên cần chính xác tôi mới có thể đưa ra kết luận. Ví dụ như chiều cao của bé 7 tháng tuổi sao đến 1m66?
Còn vấn đề có máu trong phân, em nên đưa bé đến BV Nhi đồng để BS xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, rồi mới có hướng điều trị thích hợp và triệt để.
Thân mến!
Con chào BS,
Con có vài câu hỏi muốn hỏi BS, nhờ BS tư vấn giúp con.
Con trai của con năm nay được 31 tháng tuổi, cháu mới sinh ra đã bị co giật rồi ạ. Cháu cũng đã điều trị ở Bv Nhi đồng 2, 3 tháng liền, được BS chẩn đoán bị não bất thường do bẩm sinh, gây ra co giật, động kinh cục bộ.
Bé điều trị các loại thuốc ở BV Nhi đồng 2, nhưng đến nay vẫn không hết cơn co giật, vẫn đi khám định kì, mỗi lần khám lai tăng liều, nhưng vẫn không giảm được tí nào, vẫn giật giống như chưa tăng liều vậy. Cơn giật của bé ngày đêm cũng 50 cơn cả nhẹ và mạnh.
Bé mất ý thức luôn ạ. Hiện tại bé uống Depakine 250mg si rô ngày 2 lần, sáng tối và 1/2 viên Phenolbabitat uống 1 lần buổi tối. Giờ con muốn cho bé uống thêm thực phẩm chức năng cốm Eraguta thì có đỡ giật không BS? Hay có cách nào khác cứu bé không ạ?
Con cảm ơn BS nhiều. Chúc BS luôn manh khoẻ, vui vẻ và thành công trong cuộc sống. Mong nhận được thư BS hồi âm.
Chào bạn,
Tôi rất cảm thông sự lo lắng của em về bệnh tật của bé nhưng nếu co giật này do bệnh não bẩm sinh và bị co giật từ lúc mới sinh cho thấy bệnh của nhẹ khá trầm trọng nên việc điều trị rất khó khăn và phức tạp, vì không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Thuốc thực phẩm chức năng em đề cập đến em có thể cho bé dùng thêm để hỗ trợ điều trị nhưng cần cách xa các thuốc điều trị chính khoảng 2 giờ. Bây giờ, em cần cố gắng cho bé điều trị và theo dõi lâu dài ở BV Nhi đồng.
Thân mến!
Thưa bác sĩ,
Em có hộ khẩu tỉnh, KT3, hiện đang thất nghiệp, có mua BHYT tại TPHCM được không? Xin cho biết thủ tục nếu được mua. Chân thành cảm ơn.
Chào bạn ,
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Khi tham gia BHYT hộ gia đình phải tham gia toàn bộ những người có tên trên sổ hộ khẩu hoặc sổ tam trú (trừ những người thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc khác). Bạn có đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình tại nơi tạm trú KT3.
Mức đóng BHYT hộ gia đình: người thứ nhất đóng bằng 4,5% lương cơ sở (1.300.000 đồng x 4,5% x 12 tháng = 702.000 đồng/năm), người thứ 2 đóng bằng 70% người thứ nhất, người thứ 3 đóng bằng 60% người thứ nhất, người thứ 4 đóng bằng 50% người thứ nhất, từ người thứ 5 đóng bằng 40% người thứ nhất.
Bạn có thể liên hệ đại lý thu BHYT tại xã, phường hoặc Bưu điện nơi cư trú để đăng ký tham gia.
Thân ái,
Chào các bác sĩ. Xin cho tôi hỏi: nếu tôi mua BHYT gia đình thì có được khám tại các bệnh viện quốc tế như: Vinmec, Pháp Việt hay không? Tỷ lệ thanh toán là bao nhiêu? Chân thành cảm ơn.
(Nguyễn Đình Phi – TPHCM)
Chào bạn Đình Thi,
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
BHXH đã ký hợp đồng khám chữa bệnh với hai bệnh viện Vinmec, Pháp Việt và một số bệnh viện tư nhân khác trên địa bàn TPHCM. Bạn có thể vào trang web BHXH TPHCM (bhxhtphcm.gov.vn) để tra cứu thêm thông tin về các bệnh viện đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.
Tỷ lệ thanh toán dựa trên việc đi khám bệnh đúng tuyến hay trái tuyến. Trong trường hợp đến khám đúng tuyến, bạn sẽ được hưởng chi phí khám chữa bệnh với tỷ lệ đã ghi trên thẻ và trái tuyến được hưởng 60% chi phí (giá viện phí được quy định tại thông tư 37, thuốc quy định tại thông tư 40, vật tư y tế tiêu hao theo thông tư 04…). Các khoản chênh lệch so với các quy định nêu trên, người có thẻ BHYT phải tự chi trả.
Thân ái,
Em tôi đã đóng BHYT trên 1 năm. 2 tháng trước đây, có hiện tượng đau lưng nên đi siêu âm thận, siêu âm gan và phát hiện có khối u và được chuyển tuyến trên vào BV Trung ương Huế theo thẻ BHYT và điều trị bằng hóa chất.
Theo bác sĩ sẽ hóa trị nhiều lần nhưng mỗi lần bệnh viện yêu cầu phải xin giấy chuyển viện của BHYT. Nhưng mỗi lần đến bệnh viện huyện hoặc tỉnh lại không xin được giấy chuyển viện. Vì gia đình không có khả năng thanh toán viên phí cho mỗi lần hóa trị từ 25 – 30 triệu đồng.
Tôi nghe nói bệnh hiểm nghèo u gan như em tôi cần hóa trị nhiều lần, lại là bệnh hiểm nghèo nên chỉ xin chuyển viện một lần để khám điều trị cho cả năm có đúng không? Chân thành cảm ơn.
(Nguyễn Quang Việt – Hải Lăng, Quảng Trị)
Chào bạn,
Theo thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, một số bệnh đặc biệt, bệnh nhân chỉ cần sử dụng giấy chuyển tuyến đó mà vẫn được phép thông tuyến nhiều lần trong cùng 1 năm.
Bệnh ung thư của em bạn nằm trong danh mục được sử dụng giấy chuyển tuyến dài hạn nên việc tái khám trong lần này vẫn được ghi nhận và BHYT chi trả như bình thường.
Đồng thời, bệnh ung thư cũng nằm trong danh mục bệnh, nhóm bệnh quy định tại Thông tư số 34/2013/TT-BYT ngày 28/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.
Do đó, những lần tái khám tiếp theo, em của bạn có thể sử dụng Giấy chuyển tuyến đã được cấp, không phải xin giấy chuyển tuyến nữa trong đợt khám sau đó, trong cùng năm dương lịch.
Thân ái,
Thân chào BS,
Con đã 29 tuổi, đã cắt amidan. Con không hút thuốc, ít khi nhậu nhẹt (khoảng tháng 1, 2 lần mỗi lần uống vài chai) và vệ sinh răng miệng ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.
Vào khoảng năm 2014, khi ngủ trưa dậy súc họng thì con thấy có máu tươi (kiểu như sợi máu, không nhiều lắm), hoặc thỉnh thoảng nghe mặn mặn trong miệng là nhổ nước bọt có máu và ngày nào cũng có.
Dưới cổ có hai cục hạch to và nhiều hạch nhỏ khác, có kèm theo ho nhưng thỉnh thoảng chứ không ho nhiều, khi ăn uống nước đá hoặc lạnh là ho liền, nhưng con không đau đầu nhiều, chỉ hơi nhói nhói một lúc rồi thôi.
Lúc đó con đi khám rất nhiều nơi như BV Tai Mũi Họng, BV Hoàn Mỹ, BV Ung bướu (có xét nghiệm HIV và siêu âm hạch đều âm tính). Có bệnh viện thì nói con bị viêm họng mãn tính, bệnh viện thì nói viêm hầu họng và cho thuốc uống nhưng vẫn không khỏi.
Con nội soi họng hơn 15 lần đều có kết quả bình thường, nhưng tình trạng máu lẫn trong nước bọt vẫn còn. Sau đó, các BS đều bảo con qua bên phổi khám và con có qua bên BV Đại học Y Dược khám phổi, chụp phim, chụp CT, và nội soi phế quản đều nói bình thường và nói qua lại bên Tai Mũi Họng khám.
Con có qua BV Hoàn Mỹ khám trào ngược dạ dày thực quản, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, sau đó kết luận con bị hang vị nhẹ. Lúc đó con rất mệt mỏi vì đi rất nhiều bệnh viện mà không khỏi được, lúc đó khoảng vào tháng 7/2015.
Khoảng đầu năm 2017, hiện tượng trong miệng con bắt đầu nặng hơn, lúc nào cũng có đờm trong miệng, đờm vàng cục kèm theo máu vào buổi sáng, còn trong ngày thì đờm trắng và rất nghẹn họng.
Miệng lở liên tục từ lợi, lưỡi, cứ hết cái này thì cái khác lại bị, nguyên đầu năm tới giờ bên trong thành họng có mảng trắng và kiểu như hơi lở phía trên. Lưỡi tê rát, đầu lưỡi soi gương thấy đỏ đỏ, hai bên lưỡi bị tưa ra hết, có những chấm đỏ trên lưỡi rất rát.
Con có đi khám ở BV Hoàn Mỹ, BV Ung Bướu, BV Tai Mũi Họng, đều nói do nhiệt và dặn con về ăn uống mát, không ăn nóng, cay, đồ kích thích sẽ đỡ. Trước giờ con vẫn ăn uống cẩn thận, từ ngày bị con gần như không uống rượu bia và không hút thuốc.
Hiện tại giờ miệng con rất nghẹn, luôn luôn có đờm, vào buổi sáng khạc ra thì màu vàng, ban ngày thì màu trắng, không thấy có máu hoặc rất ít khi thấy, lúc trước thì ngày nào cũng có, lưỡi hai bên bị tưa hết, có chấm đỏ, hạch cổ hai bên to và kèm nhiều hạch nhỏ.
Con xin hỏi BS là con bị bệnh gì, làm sao để khỏi và nếu khám thì khám ở đâu ạ?
Các bệnh viện lớn tại TPHCM con đều đi khám hết rồi. Con có làm xét nghiệm máu tổng quát, viêm gan B, HIV, các bệnh về tình dục… đều bình thường ạ. Con cảm ơn BS.
Chào bạn,
Bạn mô tả rất nhiều về triệu chứng bệnh, nhưng BS không rõ những triệu chứng đó kéo dài trong bao lâu, bạn đã điều trị bằng phương pháp gì, đáp ứng điều trị ra sao.
Bệnh nhiễm trùng cấp tính thường rất nặng nề, gây mệt mỏi nhiều nhưng nếu điều trị đúng và kịp thời thì đáp ứng rất tốt. Nếu không tuân thủ bệnh có thể kéo dài dai dẳng dẫn đến khó trị.
Viêm họng mạn nếu không giữ gìn sức khoẻ dễ dẫn đến tái phát nhiều lần, với những đợt viêm cấp tính triệu chứng rầm rộ, như sốt, đau họng, nuốt vướng, nổi hạch cổ, xuất tiết đàm nhớt… cần điều trị đủ thời gian thì mới hạn chế tái phát bệnh.
Trào ngược dạ dày thực quản cũng là một nguyên nhân gây viêm họng tái đi tái lại. Bạn cần phải kiên trì tuân thủ điều trị của BS tiêu hoá, giảm cân (nếu béo phì thừa cân), tránh sử dụng cafe, rượu bia, thức ăn chua cay và tránh nằm ngay sau ăn ít nhất 2g.
Nếu cần tư vấn cụ thể hơn, bạn vui lòng cung cấp thêm thông tin về diễn tiến bệnh, chụp hình các xét nghiệm đã có, các toa thuốc đã sử dụng, bạn nhé!
Thân mến!
Xin chào BS,
Kết quả xét nghiệm của mình ghi Toxocara IgG miễn dịch bán tự động dương tính 1.745 nghĩa là gì ạ?
Chào bạn,
Kết quả xét nghiệm trên nghĩa là trong máu của bạn có kháng thể với giun đũa chó (Toxocara), có khả năng trước đây hoặc hiện tại bạn đang bị nhiễm giun.
Kết quả này không có nghĩa là bạn phải điều trị tiệt trừ giun, vì tuỳ vào triệu chứng lâm sàng và các kết quả xét nghiệm khác (IgE, huyết đồ…) để quyết định điều trị.
Nếu được bạn vui lòng cung cấp thêm thông tin về tình trạng bệnh và các kết quả xét nghiệm khác để BS tư vấn cụ thể hơn, bạn nhé!
Thân mến!
Em chào BS,
Một bên xương móng ở cổ của em bị sưng lồi, gây tức cổ, khó chịu và khi xoay cổ thì cảm giác chèn ép. Cho em hỏi BS là em nên khám ở đâu và chuyên khoa nào liên quan đến xương này ạ?
Chào bạn,
Đối với một khối u ở cổ chưa rõ bản chất, em nên đến BV Ung bướu khoa Đầu mặt cổ để khám và chẩn đoán.
Thông thường xương khó bị sưng nề nên khả năng tổn thương là ở mô mềm, em nhé!
Thân mến!
Chào BS,
Cổ họng em tự dưng bị đau như hóc xương cá, ăn hay nuốt nước bọt đều bị đau. Có cảm giác họng bị sưng, vướng khó chịu nên em rất lo lắng.
Như vậy họng em bị gì có nghiêm trọng không thưa BS? Mong được giải đáp ạ.
Chào bạn,
Triệu chứng đau họng, nuốt vướng thường do viêm họng, viêm amidan cấp gây ra. Tuỳ vào từng lứa tuổi, cơ địa, biểu hiện bệnh… mà có những chẩn đoán phân biệt khác.
Em nên khám chuyên khoa Tai mũi họng để BS thăm khám trực tiếp, xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Trân trọng!
Em chào BS,
Em bị ù 1 bên tai phải 2 ngày nay, em không biết nguyên nhân bị là gì. Em sinh hoạt thường ngày thì không có tiếp xúc với tiếng ồn lớn, chỉ khi vào buổi đêm em có mở điện thoại âm lượng thấp để nghe tiếng anh và nghe nhạc. Trước khi bị ù tai thì em có bị cảm.
Chào bạn,
Ù tai sau bị cảm có khả năng do viêm nhiễm vùng hầu họng lan lên vòi nhĩ vào tai giữa, gây viêm tai giữa.
Ngoài ra, không loại trừ việc nghe nhạc bằng tai nghe gây ảnh hưởng đến thính lực. Em nên tới khám BS chuyên khoa Tai mũi họng để điều trị đúng, tránh di chứng về sau.
Thân mến!
Dạ chào BS,
Vì sao em cắt amidane được một năm rồi mà cuống họng hay có cảm giác vướng, hay bồn nôn và bị đàm.
Chào em,
Sau cắt amidan, nếu chăm sóc sức khoẻ không tốt thì em vẫn có khả năng bị viêm hầu họng tái phát nhiều lần.
Đây có thể là nguyên nhân gây ra nuốt vướng, buồn nôn, tăng tiết đàm. Em nên khám chuyên khoa Tai mũi họng để BS kê toa điều trị.
Thân mến!
Chào BS,
Cho em hỏi giả sử mình vừa vuốt ve con chó mà con chó đó nhiễm giun sán chó thì khi mình vuốt ve tay mình có dính phải trứng giun đũa chó hay trứng sán chó không ạ?
Tay mình mà dính khi cho vào miệng thì trứng vào cơ thể phải không ạ?
Chào em,
Việc đưa tay vào miệng hoặc dùng tay bốc thức ăn khi chưa rửa sạch sẽ có nguy cơ bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn gây bệnh và ký sinh trùng khác chứ không riêng gì giun đũa chó.
Do đó, em nên tập thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, em nhé!
Thân mến!
Chào BS,
BS cho cháu hỏi về vấn đề dạ dày ạ. Khoảng 6 tháng trước cháu bị tiêu chảy sau đó cháu có uống thuốc tây khoảng 1 tuần mới khỏi, nhưng sau khi khỏi thì cháu cảm thấy ăn mau đói kèm theo đau dạ dày.
Cháu có đi nội soi, BS nói cháu bị viêm xung huyết dạ dày nhẹ nhưng cháu uống thuốc theo toa BS không khỏi nên cháu ngưng dung. Sau đó cháu chuyển qua dùng trà dây trị bao tử vẫn không khỏi và cháu lại ngưng.
Cháu đi xét nghiệm máu thì không có virus HP, cháu lại dùng nghệ hũ uống vẫn không khỏi mặc dù cháu vẫn ăn đúng giờ ạ.
Cháu không biết làm sao mới hết vì khi đói, ăn trễ cháu lại đau bao tử, ăn xong thì cháu mau đói, có khi bị nóng rát dạ dày ạ.
Chào bạn,
Viêm dạ dày thường phải điều trị đủ thời gian, cắt đứt nguyên nhân (như nhiễm vi khuẩn Hp, stress tâm lý, sử dụng thuốc giảm đau…) thì bệnh mới có thể dứt điểm.
Sau khi điều trị đủ phác đồ, nếu không khỏi em cần nội soi lại để xem sang thương diễn tiến ra sao.
Do BS không rõ em đã điều trị với thuốc gì, thời gian bao lâu nên chưa thể tư vấn cụ thể hơn. Em nên tái khám đúng chuyên khoa Tiêu hoá và kiên trì theo đúng thời gian điều trị.
Trân trọng!
Thưa BS,
Con tôi bị côn trùng cắn, lúc đầu có vết màu đỏ sau đó thì nổi ngứa rồi để lại vết thâm.
Mặc dù tôi đã cho uống thuốc theo toa của BS chuyên khoa Da liễu, bôi kem trị côn trùng cắn mà vẫn không hết các vết thâm. Nay nhờ BS chỉ cách làm mờ các vết thâm lâu ngày đó và bớt ngứa. Tôi xin cảm ơn.
Chào em,
Theo mô tả thì có thể thoa cho bé bằng vitamin E vào vết thâm ngày 2 lần hoặc vắt nước cốt chanh thoa vào vết thâm khoảng 20 phút rồi rửa lại bằng nước sạch, sau nhiều ngày vết thâm sẽ mờ dần.
Thân mến!
Bé nhà e gần 5 tháng tuổi do sơ ý người nhà e đã dùng otifar nhỏ vào mũi bé để hút mũi ( nhỏ khoảng 1ml luôn ) bé khóc mà k rửa mũi lại…qua đến hôm sau e đem ra định rửa mũi cho bé,e xem lại mới biết người nhà nhỏ nhằm thuốc cho bé..E đang rất lo lắng k biết có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé hay không?Mong bác sĩ giải đáp giúp e ạ ..
Chào bạn,
Otifar chứa kháng sinh kháng viêm hiện tại thì thuốc đã vào dạ dày và ra ngoài. Nếu bạn quan sát bé không có gì bất thường thì yên tâm nhé.
Thân ái!
Thưa bác hồi lúc trời mưa cháu bị va chạm với xe khác hậu quả là bây giờ bắp đùi cháu sưng to cử động cũng khó mong bác chỉ cháu cách khắc phục
Ở tình trạng này bạn cần phải thăm khám để bác sĩ kiểm tra có tổn thương xương, sụn khớp hay chỉ ở phần mềm thôi bạn nhé. Nếu có máu tụ bầm thì bác sĩ sẽ kê đơn và xử lý vết thương phù hợp cho bạn, không nên chủ quan điều trị ở nhà vì có thể gây tổn thương thêm mà không có tiến triển tốt
Chào bác sĩ, em bị gãy mắt cá chân, đóng đinh đã lành, rút đinh được 1 năm rồi không biết đi đá bóng có việc gì không?
Chào bạn
Thông thường nếu xương đã ổn định và vận động tốt thì bạn có thể bắt đầu vận động mạnh như tham gia thể thao. tuy nhiên, việc này cần được thăm khám để bác sĩ đánh giá trước khi bạn quay lại chơi thể thao và dễ gây nguy hiểm như đá banh. Thông qua hình ảnh chụp chiếu và kiểm tra bác sĩ thăm khám sẽ cho bạn lời khuyên cụ thể nhé
Thân ái,
Em hiện nay 14 tuổi nhưng cao chỉ được 1 mét 42, muốn cao lên nên tập thể dục, kết hợp với yoga và các môn thể thao để cao lên thì có được không ạ. Em có ước mơ cao được 1 mét 75 khi được 18 tuổi thì có được không ạ
Chào bạn, Giai đoạn chiều cao phát triển vượt trội với nam là giai đoạn trước dậy thì 12-14 tuổi. Như vậy bạn đang trong giai đoạn chiều cao phát triển tốt nhất, nếu chăm sóc tốt, bạn có thể cao được 7 -8cm/ năm. Bạn cần tận dụng tối đa thời gian này để tăng chiều cao, vì bước sang những giai đoạn sau chiều cao sẽ phát triển chậm lại, thậm chí là ngừng lại nếu không có kế hoạch đúng cách.
Vì vậy để tăng cường phát triển chiều cao, bạn cần kết hợp cả ba cách: cải thiện chế độ ăn, tập luyện và bổ sung khoáng chất và vitamin.
Về chế độ ăn: Ngoài việc thực hiện đa dạng thực phẩm trong ngày, bạn cần sử dụng các thực phẩm giúp tăng chiều cao như: thịt nạc, cá nạc, tôm ăn cả vỏ, cá có thể kho dừ ăn được cả xương, cua đồng… Sữa là nguồn cung cấp canxi khá lớn, mỗi ngày bạn có thể uống 400 ml sữa.
Về tập luyện: Nên tập trung vào một số môn giúp duỗi người nhiều như cầu lông, đu xà, đánh bóng chuyền, đi xe đạp và đặc biệt là bơi. Buổi tối không nên thức khuya, cố gắng đi ngủ trước 23h.
Về việc uống viên bổ sung: Bạn có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tăng chiều cao như Vipteen có các thành phần : MK7 , Canxi nano, Zn nano, Magie, Vitamin D3,…có tác dụng bổ sung vi chất cần thiết cho sự phát triển của khung xương, giúp cháu có được chiều cao tối ưu, xương răng chắc khỏe.
Liều dùng 2-4viên/ ngày chia 2 lần, có thể duy trì thường xuyên hằng ngày hoặc ngắt quãng 3 tháng uống, 3 tháng nghỉ đến năm 20-23 tuổi.
Chúc bạn đạt chiều cao mơ ước!